Monday, 03/04/2023, 09:45 GMT+7
Liên cầu khuẩn là vi khuẩn có dạng hình cầu, từng vi khuẩn xếp thành chuỗi liên tiếp nhau nên gọi là “liên cầu khuẩn”. Liên cầu khuẩn được phân chia thành các nhóm ký hiệu là A, B, C, D và G.
Ở phụ nữ mang thai, chúng ta chỉ tầm soát liên cầu khuẩn nhóm B (viết tắt là GBS) vì chúng gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng cho trẻ sơ.
Liên cầu khuẩn nhóm B là vi khuẩn sinh sống tự nhiên trong trực tràng, âm đạo một số phụ nữ. Có khoảng 10 – 30% thai phụ mang liên cầu khuẩn nhóm B mà không có biểu hiện triệu chứng gì. Liên cầu khuẩn nhóm B thường không gây bệnh cho thai phụ nhưng sẽ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh trong lúc chuyển dạ hay vỡ màng ối gây ra tình trạng bệnh rất nặng cho trẻ sơ sinh.
2. Trẻ sơ sinh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có nguy hiểm không?
Nghiên cứu cho thấy, nếu thai phụ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B mà không được phát hiện hay phát hiện mà không được điều trị dự phòng đầy đủ thì có khoảng 50% sẽ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh, trong đó có khoảng 2% trẻ có biểu hiện tình bệnh nặng, nhất là trong 1 tuần đầu sau sinh. Trẻ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B sẽ gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng, thường gặp nhất là nhiễm trùng máu chiếm khoảng 80%, ngoài ra viêm phổi, viêm màng não cũng hay gặp. Tỷ lệ tử vong cao, khoảng 19% ở trẻ non tháng, 2% trẻ đủ tháng. Đây là lý do vì sao mà tất cả thai phụ đều phải được xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B trong khi mang thai.
3. Đối tượng thai phụ nào được sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B?
Như đã nói trên, thai phụ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B không có biểu hiện triệu chứng nên không thể thăm khám bình thường mà phát hiện được. Liên cầu khuẩn nhóm B khi nhiễm cho trẻ sơ sinh sẽ gây bệnh rất nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não. Hiện nay đã có thuốc dự phòng cho trẻ sơ sinh. Do đó, tất cả thai phụ bất kể kế hoạch dự kiến sinh như thế nào (sinh thường hay sinh mổ) đều phải được xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B trong khi mang thai. Xét nghiệm rất đơn giản bằng cách phết lấy dịch ở âm đạo - trực tràng để xét nghiệm, kết quả sẽ có chậm nhất trong khoảng 1 tuần.
4. Thời điểm xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B trong thai kỳ?
Tất cả thai phụ khi đi khám thai định kỳ sẽ được bác sĩ Sản khoa thăm khám và tư vấn xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B. Tư vấn lợi ích của việc xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B. Bác sĩ cũng hỏi các thai phụ về tiền sử dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn của bản thân và người thân trong gia đình để giúp định hướng lựa chọn loại xét nghiệm và lựa chọn thuốc điều trị dự phòng nếu thai phụ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B.Thời điểm xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B là khi tuổi thai được khoảng 36 đến 37 tuần 6 ngày. Nếu thai phụ mang song thai sẽ xét nghiệm sớm hơn, khoảng 32 – 34 tuần tuổi thai. Sau 5 tuần kể từ khi xét nghiệm có kết quả âm tính (không nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B) nếu thai phụ vẫn chưa sinh thì thai phụ sẽ được xét nghiệm sàng lọc lại lần 2.
5. Nếu thai phụ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B thì phải làm sao?
Kết quả xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B sẽ có khoảng 1 tuần sau khi gửi mẫu xét nghiệm. Nếu kết quả trả về “dương tính” chứng tỏ thai phụ có nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở âm đạo – trực tràng.
Khi thai phụ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, thai phụ vẫn khám thai định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Đến khi thai phụ chuyển dạ hoặc mang ối vỡ trước khi chuyển dạ sẽ được bác sĩ cho thuốc chích để điều trị dự phòng lây nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B từ mẹ qua trẻ sơ sinh. Ngoại trừ, các thai phụ có lý do rõ ràng bắt buộc phải sinh mổ trước khi chuyển dạ và màng ối còn nguyên vẹn thì không cần sử dụng thuốc điều trị dự phòng. Việc sử dụng thuốc điều trị dự phòng lây nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B cần được duy trì cho đến khi thai phụ sinh xong. Trẻ sơ sinh sau khi sinh ra từ bà mẹ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B sẽ được bác sĩ thăm khám và theo dõi sát tình trạng của trẻ. Trẻ vẫn được bú mẹ, vẫn được tiêm các loại vắc-xin theo quy định và được chăm sóc như bao trẻ khác.
Hiện tại bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Hồng Ngự thực hiện khám thai, sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B và điều trị dự phòng đầy đủ cho thai phụ nếu nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B khi vào chuyển dạ.
BS. HỮU VĂN TIỀN
Trưởng khoa Sản - BV Tâm Trí Hồng Ngự