Thursday, 20/07/2023, 10:18 GMT+7
Phòng ngừa nguy cơ người bệnh bị té ngã trong bệnh viện là một trong những danh mục của 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ y tế. Té ngã cũng là một trong những sự cố y khoa phổ biến được báo cáo liên quan đến quá trình chăm sóc, quản lý người bệnh của Bộ y tế. Tác động tiêu cực như chấn thương, tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Với vai trò chính là chăm sóc người bệnh, hiểu biết của điều dưỡng về phòng ngừa té ngã cho người bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ té ngã của người bệnh trong nội viện.
Tại Bệnh Viện Quốc tế Tâm Trí Hồng Ngự, công tác điều dưỡng luôn được chú trọng hướng đến hạn chế tối đa các sự cố y khoa. Tại khoa các khoa phòng của bệnh viện Quốc Tế Tâm Trí Hồng Ngự nguy cơ té ngã của người bệnh rất cao do nhiều nguyên nhân. Các buổi tập huấn, triển khai kiến thức cho điều dưỡng và kỹ thuật viên về phòng tránh té ngã cho người bệnh là hết sức cần thiết để đánh giá thực trạng cũng như tìm ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng té ngã của người bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị tại bệnh viện.
1. Té ngã là gi?
Té ngã là sự mất thăng bằng ngoài ý muốn khiến cho cơ thể bất ngờ rơi xuống mặt đất, sàn nhà. Té ngã xảy ra khi một người bệnh vô tình ngã xuống sàn nhà hoặc bề mặt khác thấp hơn so với người bệnh đó, là một tai nạn bất ngờ và người bệnh có thể bị thương hoặc không. Té ngã ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe đặc biệt là đối với người bệnh.
2. Những trường hợp nào có nguy cơ té ngã trong bệnh viện:
– Người bệnh vừa mới phẫu thuật, gây mê.
– Người di chuyển cần đến dụng cụ hỗ trợ.
– Người già, trẻ em.
– Người khuyết tật.
– Người bệnh động kinh.
– Người có tình trạng ý thức bị lẫn lộn.
– Người mắt nhìn kém, tai nghe kém.
– Rời khỏi giường hay ngồi dậy quá nhanh.
– Đi vào nhà vệ sinh một cách vội vã.
– Người uống các loại thuốc trầm cảm và thuốc huyết áp.
– Địa bàn không quen thuộc.
– Đi trên nền nhà trơn ướt.
– Mang giày dép không phù hợp.
– Người bệnh lớn tuổi và trẻ em nằm trên giường bệnh không có thanh chắn.
– Vận chuyển người bệnh không đúng cách
3. BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TÉ NGÃ
Đối với nhân viên y tế:
- Khuyến cáo người bệnh không nên dùng các vật dụng dễ gây té ngã đặc biệt là những vật dụng có bánh xe để hỗ trợ đi lại.
- Khi nền nhà ướt hoặc vị trí dễ trơn trợt cần có biển báo cho người bệnh biết.
- Kiểm tra thắng của xe lăn tay trước khi người bệnh ngồi hay đứng lên.
- Bố trí vật dụng cá nhân ở vị trí dễ tiếp cận để người bệnh dễ lấy.
- Hỗ trợ và khuyến khích người bệnh mang kính và giúp bệnh nhân đi lại khó khăn khi di chuyển.
- Khi người bệnh dùng thuốc an thần,thuốc ngủ, một số thuốc khác hoặc khi phối hợp với các loại thuốc khác nhau mà tác dụng phụ có thể khiến người bệnh đứng không vững hoặc mất thăng bằng thì phải giải thích cho người bệnh người nhà một cách rõ ràng.
- Sắp xếp người bệnh nặng cấp cứu hoặc người già và trẻ em nằm giường bệnh có thanh chắn. Nếu không có thanh chắn thì xếp vào vị trí sát vách tường.
- Trường hợp bệnh nhân hôn mê hay kích thích phải có dây cố định tay chân.
- Khi vận chuyển bệnh nhân bằng xe nằm hay ngồi phải có nhân viên y tế đi theo và đảm bảo xe không bị hư hỏng.
- Xe ngồi phải có chỗ để chân và xe nằm có thanh chắn.
Đối với người thân chăm sóc bệnh nhân
- Nếu bệnh nhân được xác định là có nguy cơ té ngã, thân nhân vui lòng gọi điều dưỡng mỗi khi bệnh nhân muốn rời khỏi giường
- Nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ, vui lòng tuân thủ những điều sau:
- Không để trẻ một mình
- Luôn nâng thanh chắn giường khi bạn không ở cạnh giường
- Không để trẻ chạy nhảy trong khu vực điều trị
- Vui lòng đảm bảo bệnh nhân luôn tuân thủ các hướng dẫn trên của nhân viên y tế.
Chúng tôi rất cảm ơn sự hợp tác của quý vị trong việc chăm sóc và đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân, tránh cho bệnh nhân bị té ngã và chấn thương vì nếu điều này xảy ra sẽ gây cản trở và làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân.
Đối với người bệnh:
- Tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế
- Trao đổi với bác sĩ về bệnh tật, báo ngay cho bác sĩ những vấn đề về sức khỏe đang mắc phải: đã bị té ngã lần nào chưa, bị té ngã trong hoàn cảnh nào, tình trạng thị lực và các bệnh mạn tính kèm theo…
- Vận động thân thể thường xuyên, tập những động tác thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn của nhân viên y tế
- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ hoặc luôn có người thân bên cạnh để hỗ trợ.
- Sử dụng đúng kính đeo mắt và mang giày dép, vừa chân khi đi đứng.
- Mang giày dép phù hợp, có độ bám nền tốt.
- Nhìn kỹ lối đi xem có chướng ngại vật. Nếu thấy có vật chướng ngại hãy gọi và chờ nhân viên y tế đến giúp đỡ.
- Ngồi lên giường hay ghế một cách chậm rãi.
- Nên thật thận trọng khi bị chóng mặt thì đừng vội đứng lên, Việc chóng mặt khi đứng lên thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ngày nóng bức, sau bữa ăn, hoặc khi cở thể bị thiếu nước. Trong trường hợp này, hày ngồi lại và kêu gọi sự giúp đỡ của người thân hoặc nhân viên y tế.
- Người bệnh nặng hay người già yếu khi muốn vào nhà vệ sinh hay muốn rời khỏi giường cần phải có hỗ trợ của người nhà hoặc nhân viên y tế
- Khi té ngã hãy bình tĩnh, sau đó nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh, gọi thật to để yêu cầu sự giúp đỡ.
- Nằm giường bệnh phải có thanh chắn
4. Xử trí khi có té ngã trong bệnh viên:
- Đưa bệnh nhân đến nơi an toàn, gọi người xung quanh hộ trợ.
- Kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn
- Hỏi bệnh nhân có đau chỗ nào không
- Yêu cầu bệnh nhân giơ tay lên và hỏi xem có đau không
- Yêu cầu bệnh nhân giơ chân lên và hỏi xem có đau ở đâu không
- Kiểm tra xem hai chân bệnh nhân có dài bằng nhau không
- Nếu bệnh nhân có thể di chuyển cử động được các chi hãy giúp bệnh nhân đứng lên và ngồi vào vị trí thăng bằng
- Kiểm tra các dấu hiệu về chấn thương đầu, mất phương hướng, lú lẫn, hai đồng tử không
- Luôn kiểm tra lại bệnh nhân vài giờ sau khi té ngã để xem có vị trí nào bị đỏ, sưng, nóng hoặc xem bệnh nhân có khó khan cử động hoặc di chuyển các đầu ngón tay, ngón chân. Nếu có cần phải khám để đánh giá kỹ hơn tình trạng của bệnh nhân.
5. Viết báo cáo sự cố y khoa nếu cần thiết.
Chúng tôi rất cảm ơn sự hợp tác của quý vị trong việc chăm sóc và đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân, tránh cho bệnh nhân bị té ngã và chấn thương vì nếu điều này xảy ra sẽ gây cản trở và làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng bệnh viện.
Tài liệu tham khảo:
CN: Võ Văn Tân
BV Quốc Tế Tâm Trí Hồng Ngự Khoa ( CĐHA)