banner

PHÂN BIỆT ĐỘT QUỴ VÀ NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP

Monday, 22/05/2023, 09:04 GMT+7

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim cấp là hai căn bệnh nguy hiểm, phổ biến với tỉ lệ tử vong và thương tật cao. Cả hai căn bệnh đều do tình trạng thiếu máu nuôi cơ quan. Trong đó, đột quỵ ảnh hưởng đến máu nuôi ở não bộ còn nhồi máu cơ tim thì ảnh hưởng đến dòng máu nuôi tim. Mặc dù cả hai đều có cơ chế bệnh sinh gần giống nhau nhưng biểu hiện bệnh rất khác nhau.

1.ĐỘT QUỴ NÃO

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ dẫn tới thiếu máu nuôi. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi dưỡng nhu mô não bị giảm đáng kể. Nếu tình trạng này kéo dài, sau vài phút, các tế bào não bắt đầu chết.

 NHẬN BIẾT SỚM ĐỘT QUỴ THEO NGUYÊN TẮC F.A.S.T

- Face (Khuôn mặt): Gương mặt có dấu hiệu mất cân đối khi cười, nhe răng, nói chuyện. Nếp mũi và một bên mặt bị xệ xuống.

- Arm (Tay): Tay yếu, có dấu hiệu bị liệt, không thể giơ đều hai tay hoặc một bên tay không thể giơ lên được

- Speech (Lời nói): Nói lắp, nói không rõ lời, không nói được.

- Time (Thời gian): những dấu hiệu hay triệu chứng trên xuất hiện một cách đột ngột, nghĩa là bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao, cần đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Đột quỵ thường gây ra hậu quả là những tổn thương ở hệ thần kinh não bộ, gây tê liệt một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Một số biến chứng đột quỵ để lại như:

- Phù nền não

- Động kinh

- Suy giảm nhận thức

- Mất chức năng ngôn ngữ

- Tay chân bị co cứng khó vận động

- Chứng nghẽn mạch máu do huyết khối ở bệnh nhân có di chứng bất động (DVT)

2. NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP

Nhồi máu cơ tim (cơn đau tim cấp) là một bệnh lý tim mạch, xảy ra khi lượng máu nuôi tim bị cắt đứt hoặc suy giảm đột ngột. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tế bào cơ tim bắt đầu chết khiến chức năng bơm máu của tim không toàn vẹn như trước dẫn đến suy tim, sốc tim, đột tử do tim…

NHỮNG TRIỆU CHỨNG CỦA CƠN NHỒI MÁU CƠ TIM

- Cảm giác như bị đè nặng, bó chặt, đau nhói hoặc chèn ép ở giữa ngực hoặc ngực trái. Cảm giác này có thể lan đến vai, cổ, hàm, lưng hoặc hai tay

- Tim đập chậm hoặc nhanh, hồi hộp, đổ mồ hôi lạnh

- Có thể kèm khó thở, chóng mặt hoặc choáng váng đột ngột

- Buồn nôn và nôn

Lưu ý : Không phải ai cũng có triệu chứng nhồi máu cơ tim giống nhau, cơn đau thắt ngực thường có thể nhẹ, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác.

Nhiều người bị nhồi máu cơ tim chờ sau hơn hai giờ mới yêu cầu giúp đỡ. Một số người cảm thấy ngại khi có “báo động giả”. Thực tế khi xuất hiện một trong các dấu hiệu của Nhồi máu cơ tim, người nhà cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tránh làm mất “ thời gian vàng” trong điều trị bệnh và giảm thiểu tối đa những biến chứng có thể gặp phải.

SAU CƠN NHỒI MÁU CƠ TIM : Sau cơn nhồi máu cơ tim, bệnh nhân nên tham gia vào quá trình phục hồi chức năng tim. Quá trình này cần thời gian dài bao gồm vật lý trị liệu, chế độ ăn uống, lối sống và uống thuốc để sức khỏe tim mạch tốt hơn.

3. TIÊN LƯỢNG CỦA ĐỘT QUỴ VÀ NHỒI MÁU CƠ TIM

Sự hồi phuc của bệnh nhân sau một cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và thời gian điều trị sớm.

Một số người bị đột quỵ dẫn đến tổn thương tế bào não, khiến việc đi lại hoặc nói chuyện gặp khó khăn trong một thời gian dài. Một số trường hợp cấp cứu chậm trễ, mất một phần hoặc mất hoàn toàn chức năng não, dẫn đến tàn tật, đời sống thực vật hoặc tử vong. Những người được điều trị ngay sau khi có các triệu chứng bắt đầu, có thể được hồi phục hoàn toàn.

Sau cơn nhồi máu cơ tim, người bệnh có thể hồi phục và quay lại cuộc sống bình thường nếu uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tham gia phục hồi chức năng tim và duy trì một lối sống lành mạnh.

Tuổi thọ của người bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ điều trị thuốc, duy trì lối sống, chế độ ăn lành mạnh và vận động phù hợp.

4. KIỂM SOÁT TỐT SỨC KHỎE ĐỂ PHÒNG TRÁNH BỆNH

- Khám sức khoẻ định kỳ mỗi 6 tháng giúp phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, rối loạn chuyển hoá mỡ máu, tăng đường huyết…. để có giải pháp can thiệp, phòng ngừa sớm.

- Duy trì cân nặng hợp lý, hoạt động thể chất phù hợp.

- Không hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích có hại

- Hạn chế căng thẳng và lo âu.

- Chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây, ưu tiên thịt trắng (như cá, gà, vịt,…),  hạn chế thịt đỏ (như thịt heo, thịt bò…),  hạn chế các chất béo xấu (như da động vật, đồ lòng, nội tạng động vật, mỡ,….riêng mỡ cá là mỡ tốt, có thể ăn được).

Mặc dù đột quỵ hay nhồi máu cơ tim là những bệnh rất nghiêm trọng nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Việc khám sức khoẻ định kỳ và có tham vấn bác sỹ chuyên khoa Tim mạch nhằm phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ. Từ đó, chúng ta sẽ có những biện pháp can thiệp đúng đắn, giúp kiểm soát yếu tố nguy cơ và phòng ngừa được bệnh.

Bài viết được tham khảo ý kiến từ Ths.Bs Lương Thị Ngọc Anh -

Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Hồng Ngự.