banner

Những Vitamin và Khoáng chất rất cần cho thai phụ và thai nhi

, 20/08/2016, 20:36 GMT+7

(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Bình thưởng, ai cũng cần một chế độ ăn uống cân bằng để nhận được các chất dinh dưỡng thiết yếu. Tuy nhiên, khi mang thai, nhu cầu này cần tăng gấp đôi bởi lúc này bạn ăn cho cả hai người.

Đối với thai phụ, các chất dinh dưỡng cụ thể dưới đây đặc biệt rất quan trọng cho cả mẹ và con khỏe mạnh.

Folate

Theo Mayo Clinic, folate còn gọi là vitamin B9 có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và phân chia của tế bào. Phụ nữ mang bầu có nguy cơ thiếu folate cao gấp 10 lần thông thường nên dễ gây thiếu máu, tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân. Đối với thai nhi, thiếu folate có thể gây dị tật ống thần kinh; trẻ sinh ra có thể tử vong ngay sau sinh hoặc để lại những dị tật nặng nề.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), thai phụ được bổ sung đủ folate trong suốt thai kỳ có thể giảm đến 50% - 70% các nguy cơ trên. Có thể bổ sung Folate thông qua thực đơn hàng ngày bằng việc tăng cường ăn các thực phẩm giàu folate như gan, lòng đỏ trứng gà, trứng vịt, mè, lạc, các loại đậu (đậu đũa, đậu xanh, đậu tương, đậu Hà Lan), các loại rau.

gan_GPSL

Gan giàu folate rất tốt cho bà bầu và thai nhi

Vitamin D

Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, chúng giống như một chất xúc tác, hỗ trợ và giúp cơ thể người mẹ hấp thụ tốt nhất lượng canxi, giúp mẹ bầu tổng hợp được vitamin D tự nhiên từ ánh nắng mặt trời. Đối với bào thai trong bụng, khi mẹ thiếu vitamin D, con sẽ không hấp thu và chuyển hóa được canxi từ cơ thể mẹ, sau này có khả năng bị nhẹ cân, sâu răng, gia tăng bệnh hen suyễn, viêm nhiễm đường hô hấp, làm mềm hộp sọ, mềm xương, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Một trong những nguồn bổ sung vitamin D an toàn cho mẹ là các thực phẩm giàu vitamin D, như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu (đặc biệt là đậu nành), hạnh nhân, cá hồi, bông cải xanh, nước cam, sữa, lòng đỏ trứng gà…

Sắt

Sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin, chất có vai trò chính trong việc vận chuyển oxy cho cơ thể mẹ và thai nhi. Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% so với bình thường, vì vậy bà bầu cần nhiều chất sắt để tăng cường hemoglobin.

Sắt giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, bảo vệ cơ thể tránh bị nhiễm khuẩn Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, việc thiếu sắt dễ gây ra sảy thai hoặc thai lưu. Đến những giai đoạn sau, thiếu sắt có thể dẫn đến hiện tượng đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai. Bà mẹ thiếu máu do thiếu sắt trong giai đoạn sinh nở có thể sẽ bị băng huyết sau khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng. Thiếu sắt khi mang thai thường gây ra cảm giác mệt mỏi, chóng mặt và thậm chí ngất xỉu.

Do đó thai phụ cần bổ sung sắt thông qua việc ăn các thực phẩm giàu sắt như (gan, tim, lòng đỏ trứng, các loại thịt có màu đỏ, các loại đậu, rau xanh, bí đỏ, nho), đồng thời dùng thêm sắt và canxi dạng thuốc.

Canxi

Thai nhi cần canxi để giúp xương và răng chắc khỏe, giúp phát triển tim, hệ thần kinh, cơ bắp; ngoài ra canxi còn giúp phát triển nhịp tim và khả năng đông máu bình thường. Nếu không bổ sung đủ canxi trong giai đoạn thai kỳ, cơ thể sẽ rút canxi từ mẹ để cung cấp cho con, từ đó đặt người mẹ vào nguy cơ loãng xương. Trước hết, cần bổ sung canxi bằng cách ăn uống các thực phẩm chứa nhiều canxi như cua đồng, tôm đồng, sữa bột, sữa bò, sữa đậu nành, cà rốt, mè...

Omega-3

Các nhà khoa học Trường ĐH Alberta (Canada) tiến hành theo dõi mức tiêu thụ omega-3 trong chế độ ăn hằng ngày của 600 phụ nữ mang thai và sau khi sinh.

Kết quả cho thấy, những đứa trẻ được sinh ra từ các mẹ bầu không nhận đủ lượng axít béo omega-3, khả năng nhận thức kém, chỉ số thông minh thấp và bị các rối loạn thiếu tập trung chú ý. DHA - thành phần có trong axit béo omega-3 được chứng minh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe thần kinh cũng như quá trình phát triển trí não của thai nhi.

Hơn nữa, trong quá trình mang thai, omega-3 còn có tác dụng kích thích cơ thể thai phụ sản xuất nhiều hồng huyết cầu nhằm đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và oxy đối với sự phát triển của thai nhi, cả về thể chất lẫn trí não. Bên cạnh đó, việc bổ sung DHA còn có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ sinh non, tiền sản giật cũng như chứng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.

Để cung cấp omega-3 cho cơ thể, ngoài việc sử dụng nguồn bổ sung, cần tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu loại chất béo này như cá, các loại hải sản, quả óc chó, quả bơ, dầu ô liu, sữa, trứng…


Thành Tín