Friday, 16/09/2016, 08:39 GMT+7
(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Việc một số nghệ sĩ liên tiếp bị ung thư phổi như Hán Văn Tình (đã qua đời), Minh Thuận… khiến nhiều người hâm mộ thương tiếc và lo lắng. Tuy vậy, vẫn còn những quan niệm sai lầm về ung thư phổi khiến bệnh ngày càng nặng thêm.
Chỉ có thuốc lá mới gây bệnh
Theo giới chuyên môn, đa số bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi đều ít nhiều liên quan đến thuốc lá, đó có thể là hút thuốc chủ động, có thể là hút thuốc thụ động hoặc thậm chí có người bỏ hút thuốc lá hàng chục năm vẫn có thể mắc ung thư phổi…
Tuy nhiên, những người không sử dụng thuốc lá cũng có nguy cơ mắc bệnh. Những người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất, phơi nhiễm bức xạ cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Ung thư phổi sẽ truyền nhiễm
Nhiều người sợ ung thư phổi có khả năng lây nhiễm nên thường có tâm lý xa lánh bệnh nhân ung thư. Đây là quan niệm sai lầm về ung thư phổi. Điều đó gây tâm lý mặc cảm, tự ti của bệnh nhân làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị và quá trình phục hồi.
Các nhà khoa học khẳng định ung thư không truyền nhiễm nên mọi người không nên giữ thái độ kì thị hay xa lánh bệnh nhân. Việc quan tâm chăm sóc sẽ giúp họ phục hồi, điều trị tốt hơn.
Bị ung thư phổi là chết
Ung thư nói chung là bệnh nguy hiểm nhưng không phải bản án “tử hình” đối với bất kỳ ai. Bệnh ung thư thường có rất ít dấu hiệu cảnh báo sớm hoặc dấu hiệu bệnh dễ nhầm với các căn bệnh khác.
Ở ung thư phổi, giai đoạn đầu người bệnh chỉ xuất hiện một vài cơn ho ngắt quãng kèm theo hơi tức ngực nên nhiều người chủ quan cho rằng đó là dấu hiệu của bệnh cảm cúm hoặc viêm phổi thông thường. Do vậy, mọi người đi khám tầm soát ung thư chuyên sâu định kỳ thì mới có thể phát hiện ra bệnh và từ đó có phác đồ điều trị kịp thời.
Ung thư phổi nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm giúp nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống, giảm thiểu tối đa tình trạng bệnh di căn. Thời điểm chưa di căn, tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư phổi có thể lên tới trên 60%.
Khi ung thư đã di căn sang các bộ phận khác thì tỉ lệ sống của người bệnh chỉ có khoảng20%. Tỷ lệ bệnh nhân phát hiện ung thư phổi sống trên 3 năm ở giai đoạn I là 87%, giai đoạn 2 là 73% và giai đoạn 3 là 42%.
Ung thư phổi ăn kiêng mới tốt
Bị ung thư phổi phải ăn kiêng là quan niệm sai lầm về ung thư phổi. Nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cơ bản của tế bào ung thư cao hơn tế bào bình thường. Nhưng khi bệnh nhân ung thư không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tế bào ung thư vẫn tự lấy năng lượng để phục vụ nhu cầu hoạt động của chúng.
Bên cạnh đó khi không được nhập thức ăn, bản thân cơ thể cũng lấy protein để tạo năng lượng. Hậu quả là khối nạc cơ thể bị suy giảm nhanh chóng, dinh dưỡng của cơ thể bị tế bào ung thư lấy đi khiến cơ thể người bệnh bị suy kiệt có thể chưa chết về bệnh ung thư mà chết vì suy dinh dưỡng.
Bổ sung chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa ung thư phổi?
Chất chống oxy hóa được biết đến với khả năng chống oxy hóa các gốc tự do khiến chúng không còn khả năng gây hại, nhưng đó là với những người chưa bị ung thư. Tuy nhiên, với bệnh nhân ung thư phổi không nên lạm dụng những chất vitamin tức sinh tố.
Thí dụ, chất Beta-carotene là tiền sinh tố A ở lượng cao có thể gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi. Việc sử dụng các thuốc bổ cần phải tham khảo ý kiến của bác sỹ. Hiện chưa có thuốc gì có thể ngừa ung thư phổi.