Thursday, 15/12/2022, 09:31 GMT+7
Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhầm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi có mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước, cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đố tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu dễ dẫn đến nhồi máu não
Vậy nười tăng huyết áp cần làm gì để bảo vệ sức khỏe vào mùa đông ?
Giữ ấm cơ thể
Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài. Dùng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh. Tạo môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Có thể dùng bóng điện đỏ để sưởi ấm.
Lưu ý: không nên dùng bếp than tổ ong hoặc than củi để sưởi trong phòng kín dễ gây ngộ độc khí CO, rất nguy hiểm. Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim,…
Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, nhất là vào ban đêm. Nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài sau đó mới ra.
Sau một đêm nằm tĩnh trên giường, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kếm đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp cơn gió lạnh sán sớm cũng có thể khiến huyết áp tăng cao và nhiều cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim buổi sáng.
Chế độ ăn uống
Cần kiểm soát chế độ ăn, đặc biệt là cần ăn nhạt. Nên duy trì chế độ ăn nhạt 5-6g muối/ ngày với người trưởng thành, người đã bị tăng huyết áp thì ăn càng nhạt càng tốt.
Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, cá, sữa và chế phẩm từ đậu.
Ăn nhiều rau xanh, quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, ăn nhiều cam, quýt, bưởi là những thực phẩm giàu kali giúp lợi tiểu.
Hạn chế thực phẩm: chứa nhiều chất béo giàu cholesterol ( các nội tạng: tim, gan, óc, thận); những thực phẩm nhiều muối như dưa muối, thực phẩm chế biến sẵn. Không ăn quá nhiều đường, chất béo… vì chất này sẽ khiến khả năng hấp thụ và trữ nước trong cơ thể tăng, làm cho dung lượng máu trong cơ thể tăng theo.
Tập luyện
Người tăng huyết áp nên chọn hình thức tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập dưỡng sinh,… Khi tập thể dục chọn chỗ kín gió, ấm áp. Khởi động kỹ trước khi tập luyện, khi thời tiết quá lạnh hay nhiều gió có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.
Giữ tâm lý thoải mái
Cần chú ý đến các trạng thái như lo lắng, cẳng thẳng, tức giận… dễ không kiểm soát được huyết áp. Do vậy cần giữ cân bằng tâm lý bằng cách sống thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng lo âu.
Tuân thủ đúng chỉ định điều trị
Người tăng huyết áp cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ để duy trì huyết áp ổn định. Không tự ý thay đổi thuốc, tự uống tăng liều thuốc hoặc uống các loại thuốc khác theo mách bảo.
Bất cứ khi nào thấy các biểu hiện như: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, yếu chi, nói khó, đau tức ngực, mất vận động, mất thị lực thoáng qua… đều phải kiểm tra ngay huyết áp xem có gì bất thường không, thông báo người nhà đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.