banner

Chuyên mục Sống Khỏe (kỳ 3 năm 2018): Phòng và điều trị bệnh Gút

Thursday, 12/12/2019, 07:30 GMT+7

(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Bệnh gút (gout) được coi là bệnh của xã hội phát triển, liên quan đến lối sống hiện đại: ăn uống quá độ và thiếu vận động.

Mời quý vị và các bạn xem video clip phỏng vấn Bác sĩ CKII Lưu Trường Bách – Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp về vấn đề trên.

 

 

Gút là một bệnh rối loạn về chuyển hóa liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất acid uric trong cơ thể. Các tinh thể urat lắng đọng ở khớp và các tổ chức xung quanh khớp gây nên phản ứng viêm vào ban đêm, biểu hiện bằng những đợt viêm khớp cấp, thường gặp nhất là khớp bàn ngón chân cái.

Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên (trên 95%), khỏe mạnh, mập mạp, dân gian thường gọi là “tốt tướng”. Phụ nữ ít khi bị bệnh gút, nếu bị thường là lứa tuổi trên 60. Thường với những người có cuộc sống vật chất sung túc, dư thừa dinh dưỡng hay có thể mắc bệnh này. 

Những người mắc một hay nhiều bệnh như xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường, rối loạn lipid máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh mạch não... cũng rất dễ bị gút. 

Nếu thường xuyên uống rượu bia và ăn nhậu nhiều nguy cơ mắc bệnh gout rất cao, ngoài ra còn có thể mắc bệnh về đường tiêu hóa: rối loạn đại tràng, viêm loét tiêu hóa… Nên khám sức khỏe tổng thể và kiểm tra acid uric định kỳ 2-3 tháng/lần để phòng tránh và phát hiện bệnh sớm. 
Việc sử dụng thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn để sử dụng cho đúng. Bệnh có thể tạm ổn nếu điều trị đúng cách, việc điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp phòng ngừa bệnh này.
Ăn uống điều độ, không được nhịn đói, bỏ bữa, không dùng các chất kích thích như ớt, hạt tiêu, các loại dưa muối và cà muối. 
 
Hạn chế tối đa ăn các loại thực phẩm như gan, tim, lưỡi động vật, nấm, trứng cá, kem, bánh ga tô có kem. 

Tránh ăn các đồ thịt cá rán, thịt chó, nước canh xương hầm, canh cá; tránh ăn một số loại rau quả như các loại đậu đỗ, súp lơ, các loại cà, củ cải. Có thể ăn các loại thịt màu trắng như thịt lườn gà, thịt thỏ. 

Không uống rượu, hạn chế uống bia, không uống nước chè, cà phê đặc và các đồ uống có ga. 

Trong một công trình nghiên cứu, người ta thấy rằng ở nhóm người uống khoảng 1 lít bia trở lên trong một ngày có tỷ lệ bị gút gấp 2,5 lần so với nhóm người uống hạn chế.

Sữa và các sản phẩm của sữa, dưa chuột, dưa hấu... là các thức ăn tốt cho việc phòng và chữa bệnh gút. 

Bánh mì, trứng, đa số các loại trái cây, rau quả (khoai tây, bí đao, bí đỏ, cải bắp, hành, tỏi... trừ cà chua) bệnh nhân gút đều có thể sử dụng. 

Uống nhiều nước (2-3 lít/ngày), các loại nước khoáng có tỷ lệ chất khoáng thấp và có tính kiềm có tác dụng thải bớt lượng acid uric thừa trong cơ thể cũng rất tốt cho bệnh nhân gút (có thể uống 1-3 cốc/ngày trước bữa ăn 1 giờ trong giai đoạn tái phát của bệnh). 

Điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý, tập luyện các bài tập rèn sức bền vừa có tác dụng tăng cường sức khỏe chung, giảm cân và điều hòa các quá trình trao đổi chất; tuy nhiên cần nghỉ tập trong giai đoạn tái phát của bệnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương


BS.CK2 Lưu Trường Bách