banner

Cảnh báo: Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch do đi lại thường xuyên bằng máy bay đường dài

Friday, 13/01/2017, 11:22 GMT+7

Máy bay là phương tiện đi lại vô cùng thuận lợi cho một đại bộ phận. Tuy nhiên, việc đi lại thường xuyên sử dụng phương tiện trên với các chuyến bay đường dài, không hề an toàn cho sức khỏe con người vì nó tìm ẩn yếu tố nguyên cơ gây bệnh huyết khối tĩnh mạch (HKTM).

Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ gây ra bệnh này còn bao gồm cả những người ngồi lâu khi lái xe, xem tivi hay ngồi trước máy tính hàng tiếng đồng hồ tại công sở hay ở nhà đều góp phần gây nên huyết khối. Theo các chuyên gia, thì đứng dậy và vận động sau mỗi 30-45 phút ngồi là rất cần thiết. Sử dụng các cơ chân có tác dụng giúp cho máu tĩnh mạch được lưu thông tốt hơn, do đó giảm nguy cơ hình thành máu đông.

Mới đây một người đàn ông quốc tịch Mỹ, Ông Frederick James Haring Ton III nhập viện tại BVĐK Tâm Trí với tình trạng đi lại rất khó khăn, đau chân (P), đau dọc mặt sau cẳng chân và gót, khám thấy đau khi sờ, tăng lên khi gấp mặt mu của bàn chân vào cẳng chân, kết quả siêu âm doppler tĩnh mạch: tắc không hoàn toàn TM khoeo chân (P) do huyết khối và được bệnh viện chẩn đoán xác định là Huyết khối tĩnh mạch khoeo chân (P).

hktm-2

Ông Frederick James Haring Ton III đang được nhân viên y tế chăm sóc 
tại Khoa nội - Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp

 

Sau 5 ngày nằm viện điều trị, Ông đã giảm đau, đi lại bình thường và được xuất viện để điều trị tại nhà.

hktm-1

Ông Frederick James Haring Ton III (thứ 2 từ phải qua)

Bác sĩ Lê Thanh Nhàn - Khoa nội BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp cho quý vị và các bạn biết thêm về căn bệnh này.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh

•    Ít vận động: Mọi lý do như bệnh tật, chấn thương, thói quen nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt, hành trình lâu dài trên máy bay, tàu hỏa và xe hơi... mà cơ thể không hoặc ít vận động, đều có thể tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu vì khi cơ thể không vận động, máu trong tĩnh mạch sẽ chảy chậm và làm tăng nguy cơ đông máu.

•    Tĩnh mạch bị tổn thương: Bệnh viêm mạch (vasculitis), hóa trị liệu, đụng dập do chấn thương gây tổn thương ở tĩnh mạch làm tăng nguy cơ bị bệnh này, ngược lại chính huyết khối tĩnh mạch sâu có thể làm tổn thương thành tĩnh mạch và làm tăng nguy cơ bị thêm một huyết khối tĩnh mạch sâu khác trong mạch máu.

•    Do dùng thuốc điều trị là hormon sinh dục nữ: Các thuốc có chứa estrogen khi dùng để điều trị một số bệnh như ung thư, chữa chứng tiền mãn kinh có tác dụng phụ làm cho máu dễ đông hơn, do đó gia tăng nguy cơ bị bệnh này.

•    Do di truyền và mắc một số bệnh: Bệnh nhân bị ung thư, suy tim, mang thai, béo phì, trên 40 tuổi, di truyền từ cha mẹ sang con... là các yếu tố làm cho máu dễ đông, do đó tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu.

•    Hút thuốc: Một số chất trong thuốc lá làm tổn thương thành mạch, do đó làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.

Triệu chứng của bệnh Huyết khối tĩnh mạch

Triệu chứng của bệnh này thường gặp ở cẳng chân hoặc đùi gồm các dấu hiệu: sưng, đau, đỏ đoạn chi, nhất là bụng chân (phía sau chân), bên dưới đầu gối. Bệnh thường xảy ra ở một chân, song cũng có thể bị cả hai chân, cảm giác đau tăng khi co gập chân. Chỗ đau có thể tăng khi co gập chân về phía đầu gối. Trường hợp nặng có thể thấy lở loét ở bắp chân và gặp nhiều nếu huyết khối tĩnh mạch sâu tại tĩnh mạch đùi, ở người béo phì hoặc có nhiều huyết khối tĩnh mạch sâu ở cùng một chân.

Tuy nhiên cũng có trường hợp không có một triệu chứng gì ở chân đang bị bệnh này, bệnh chỉ được phát hiện khi đã gây biến chứng tắc nghẽn mạch phổi do hậu quả của huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Khi bị tắc nghẽn mạch phổi xuất hiện các triệu chứng: khó thở, đau ngực và ngất.

Huyết khối tĩnh mạch sâu có những triệu chứng được phát hiện nhờ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm có thể giúp phát hiện khối máu đông trong tĩnh mạch chân, với kỹ thuật Doppler siêu âm có thể giúp biết tốc độ di chuyển của máu trong tĩnh mạch, Chụp Xquang tĩnh mạch sau khi tiêm chất cản quang sẽ cho thấy chất này có di chuyển bình thường trong tĩnh mạch hay bị chặn lại do có huyết khối....

Điều trị và Phòng bệnh

Mục đích điều trị huyết khối tĩnh mạch là nhằm hạn chế khối máu đông lớn lên, ngăn chặn chúng tan vỡ ra di chuyển về phổi để tránh tai biến nghẽn mạch phổi, tránh biến chứng và tái phát HKTM. Có thể áp dụng một hay nhiều phương pháp như:

•    Tất cả BN thuyên tắc HKTM được khuyến cáo duy trì điều trị chống đông hiệu quả ít nhất 3 tháng. Không nên kéo dài quá 3 tháng, với những trường hợp thuyên tắc HKTM có yếu tố thúc đẩy tạm thời (như phẫu thuật), hoặc nguy cơ chảy máu cao.Thời gian điều trị có thể kéo dài tới tận 6 tháng, hoặc 12 tháng đối với những BN chọn lọc, như thuyên tắc HKTM vẫn còn tồn tại yếu tố thúc đẩy (như ung thư), hoặc không rõ căn nguyên. 

•    Sử dụng loại tất đặc biệt (compression stockings) nhằm tránh tổn thương phần mềm, phòng ngừa và giảm sưng, đau, lở loét ở chân. Phải dùng loại tất này với thời gian hàng năm hoặc nhiều tháng, sau khi bị HKTM, hằng ngày phải đeo tất từ lúc sáng sớm thức dậy cho đến khi đi ngủ buổi tối.

•    Kê cao chân khi nằm ngủ: Khi ngủ dùng gối kê bàn chân và cẳng chân hơi cao hơn bắp chân, cẳng chân cao hơn đùi để giảm áp lực lên tĩnh mạch chân.

Để phòng bệnh cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp:

•    Tăng cường vận động, nhất là sau một ca phẫu thuật kéo dài,

•    Phụ nữ sau khi sinh đẻ, cần tránh bất động hoặc nằm lâu ngày

•    Những người ít vận động, cần tăng cường vận động.

•    Người có rối loạn về đông máu cần được dùng thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ.

•    Nếu phải đi trên tàu, xe, máy bay trong thời gian dài nên lưu ý tạo tư thế ngồi thoải mái, cứ khoảng nửa giờ cần co duỗi chân, thỉnh thoảng nên đi lại cho khí huyết lưu thông.

Một số biện pháp hiệu quả gồm:

•    Cử động chân. Chỉ cần ngồi một chỗ trong thời gian dài, máu có thể tụ ở chân, tạo thành máu đóng cục. Vì vậy, cứ mỗi 1-2 tiếng đồng hồ, nên đứng dậy và đi loanh quanh, bất kể đang ngồi ở bàn làm việc hay đang đi trên xe hoặc máy bay (co duỗi cơ chân trong khi ngồi cũng có tác dụng)

•    Có lối sống lành mạnh: nên bỏ thói quen hút thuốc. Hút thuốc góp phần làm xơ cứng động mạch, qua đó làm tăng nguy cơ máu đóng cục đồng thời uống nhiều nước, vì việc cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể có thể làm giảm nguy cơ bị máu đóng cục.

•    Duy trì trọng lượng hợp lý, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh nhằm tăng cường sức khỏe tim mạch và vận động thể chất thường xuyên.

•    Việc uống thuốc ngừa thai có thể làm tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu, nên cân nhắc và thận trọng.

•    Nhận biết các dấu hiệu của bệnh để phòng tránh, nên chú ý tình trạng đau, sưng, tình trạng đỏ hoặc thay đổi màu sắc ở một bên chân hay có cảm giác nóng trên da ở khu vực bị ảnh hưởng.


Thành Tín - Trúc Linh