banner

Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp: Cấp cứu và điều trị Kịp thời bệnh nhân mắc bệnh Kawasaki

Tuesday, 17/05/2016, 01:59 GMT+7

Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp

Cấp cứu và điều trị Kịp thời 
bệnh nhân mắc bệnh Kawasaki

     tam_1

         Bác sĩ Nguyễn Chí Tâm 
Trưởng Khoa nhi, BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp

Ngày 09/05 vừa qua, Khoa nhi Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp đã chẩn đoán và cấp cứu kịp thời bệnh nhân 3 tuổi, ngụ tại xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp mắc bệnh Kawasaki.

Bác sĩ Nguyễn Chí Tâm, Trưởng Khoa nhi Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp cho biết: Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục 40o, lưỡi có hình trái dâu, môi đỏ, nứt môi, lở miệng, mắt đỏ, hồng ban đa dạng chủ yếu ở thân và có hạch ở cổ. Qua thăm khám, chẩn đoán xác định là bệnh Kawasaki, bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp đã xử trí cấp cứu, vì bệnh cần được điều trị đặc hiệu, nên bệnh nhi được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng I. Hiện nay Bé đã khỏe và chuẩn bị xuất viện.

BIỂU HIỆN CỦA BỆNH KAWASAKI

Kawasaki là căn bệnh do một bác sĩ người Nhật có tên Kawasaki tìm ra. Đây là bệnh thường xảy ra ở những trẻ em dưới 5 tuổi. Kawasaki thuộc loại bệnh hiếm gặp. Bệnh khởi phát cấp tính, với những triệu chứng điển hình về da, niêm, hạch thường thấy là: sốt cao kéo dài; phát ban đỏ khắp cơ thể; hai mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ rực; bong rộp ở miệng; bong rộp ở đầu các ngón tay, ngón chân; nổi hạch ở cổ; có thể kèm theo sưng và đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân... Ngoài ra còn có những triệu chứng ít gặp hơn như: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, ói mửa); trẻ có thể bị đau bụng; vàng da; túi mật to; gan to... Bệnh có thể gây biến chứng lên tim mạch, làm cho tim to, nhịp tim nhanh, suy tim. Nhưng nguy hiểm nhất là biến chứng làm viêm tắc và giãn mạch vành (là mạch máu chính nuôi tim), có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử tức thì cho trẻ. Một số biến chứng khác ít gặp hơn như trẻ bị sưng khớp, một số có thể bị viêm màng não đi kèm, hay viêm phổi, viêm ruột. Xét nghiệm cho thấy, bạch cầu trong máu tăng cao, tiểu cầu giảm, hoặc tăng (tùy trường hợp), các phản ứng viêm tăng rất mạnh, siêu âm tim thấy mạch vành bị giãn ra...

ĐIỂU TRỊ BỆNH KAWASAKI

Để chữa trị căn bệnh hiếm gặp Kawasaki phải dùng thuốc chống sưng, chống viêm bằng thuốc Aspirin hoặc truyền gamma globulin. Mục đích của việc sử dụng gamma globulin là để ngăn chặn bệnh gây biến chứng lên tim mạch cho trẻ như nói ở trên. 

Theo bác sĩ Nguyễn Chí Tâm BVĐK Tâm Trí đồng Tháp, quan trọng là phát hiện bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện sớm, vì bệnh Kawasaki nếu được điều trị sớm thì mới có thể ngừa được các biến chứng ở tim. Nếu bệnh đáp ứng tốt điều trị, thì khoảng 48 giờ sau điều trị, bệnh sẽ lui dần, trẻ hết sốt và có thể xuất viện uống thuốc theo toa. Tuy nhiên, một khi trẻ đã mắc bệnh Kawasaki thì cần phải được tái khám để theo dõi định kỳ suốt đời, bởi bệnh có thể sẽ tái phát, một số trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm, mà người nhà của trẻ không hề hay biết. Đối với những trường hợp bệnh gây biến chứng, thì phải được theo dõi mạch vành, sử dụng thuốc chống đông máu, phải được chụp mạch vành để theo dõi theo sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra Bác sĩ Tâm BVĐK Tâm Trí lưu ý, đối với những trẻ mắc bệnh Kawasaki có sử dụng thuốc gamma globulin, thì cần tạm ngưng tiêm ngừa tất cả các loại vắc-xin phòng bệnh ít nhất là 3 tháng kể từ khi dùng gamma globulin, đặc biệt là những vắc-xin sống như: sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, bởi tiêm ngừa trong lúc này cũng không đem lại hiệu quả gì, vì gamma globulin đã làm giảm tác dụng của các vắc-xin.

Mời bạn đọc xem Báo Thanh Niên ra ngày thứ 2 – 16/05/2016.

anh_bai_viet

 

 


Tâm Trí Đồng Tháp