banner

Bệnh thận, suy thận và những điều cần biết

Tuesday, 24/07/2018, 08:59 GMT+7

Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng quá rõ ràng  gì cho tới khi đã tiến triển đến giai đoạn nguy hiểm. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, chân tay phù nề… thì hãy đi kiểm tra ngay vì đó có thể là những dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về thận.

Cũng như gan, thận là bộ phận nội tạng đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Thận lọc máu, giúp cân bằng điện giải, cân bằng nội môi, điều hòa áp suất thẩm thấu, chuyển hóa trong cơ thể. Thận còn là “nhà máy” đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể.

Một khi thận suy yếu, khả năng thanh lọc và đào thải kém, thì chất độc tích tụ trong người, rối loạn điện giải, rối loạn toàn bộ hoạt động của các cơ quan tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp… thậm chí đe dọa sự sống của cơ thể. Chính vì tầm quan trọng của thận nên sức khỏe thận luôn là điều bạn cần phải lưu tâm.

photo-1-1477653836464-373-0-1009-1024-crop-1477653857136

Có bao nhiêu bệnh về thận?

Ngoài các bệnh thận nguy hiểm như ung thư thận, thận đa nang,… còn có các bệnh về thận phổ biến sau:

+ Sỏi thận: Khi bị bệnh sỏi thận và sỏi đường tiết niệu, bệnh nhân sẽ thấy đái khó, đái buốt, đái rắt, màu sắc nước tiểu thay đổi, lượng nước tiểu ít, đau vùng thắt lưng, có thể kèm theo sốt hoặc không sốt.

+ Viêm thận: Là tình trạng viêm thường gặp do nhiễm khuẩn hoặc do ngộ độc thuốc, hóa chất. Viêm thận chia thành hai dạng, đó là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn tính.

+ Viêm ống thận cấp: Thường là do ngộ độc chì, thuỷ ngân, sunfamit khiến người bệnh không đái được, urê máu cao, nước tiểu có protein, nhiều hồng cầu, bạch cầu trụ hình hạt.

+ Bệnh thận nhiễm mỡ: Khi thận bị nhiễm mỡ, người bệnh sẽ thấy tự nhiên bị phù rất đột ngột hoặc bị phù sau nhiễm khuẩn thông thường như viêm họng.

+ Hội chứng thận hư: Khi các tác nhân gây bệnh lắng đọng ở cầu thận. Nhiều khi hội chứng thận hư có nguyên nhân từ việc dùng thuốc không đúng liều lượng. Khi ngừng thuốc, cầu thận có thể trở lại bình thường.

+ Suy thận: Là khi thận không đủ sức thải bỏ mọi cặn bã khiến các chất độc hại và dịch dư thừa đọng lại trong cơ thể. Căn cứ vào các chỉ số albumin, creatinin, ure, protein… qua xét nghiệm nước tiểu sẽ biết được tình trạng bệnh của thận.

 

suy-than-2

Suy thận là một bệnh lý về thận rất nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao

Ai có nguy cơ bị các bệnh về thận?

+ Người bị bệnh tiểu đường: Một trong những biến chứng của căn bênh này là suy thận. Những người đang mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng ngày càng gia tăng, vì thế nên kéo theo tỷ lệ người bị suy thận cũng tăng cao.

+ Người mắc bệnh huyết áp cao: huyết áp tăng cao và kéo dài là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sự hoạt động của thận.

+ Người mắc bệnh lý tại thận: Các bệnh lý như viêm cầu thận, sỏi thận, nếu như không được phát hiện kịp thời thì sẽ là nguyên nhân dẫn đến suy thận.

+ Người dùng thuốc điều trị mạn tính: thường xuyên dùng thuốc điều trị các loại bệnh trong một thời gian dài, khi đi qua hệ thống lọc của thận và thải ra ngoài, lâu dài sẽ làm giảm chức năng và dẫn đến hiện tượng suy thận.

+ Người cao tuổi: Tuổi càng cao, chức năng của thận càng giảm.

+ Người có lối sống không lành mạnh: Lối sống có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng của thận như việc ăn quá nhiều muối, đường, chất đạm, chất béo hoặc ăn ít rau quả, ít vận động, căng thẳng kéo dài.

Triệu chứng nhận biết bị bệnh thận, suy thận

Bệnh thận nói chung hay suy thận nói riêng là bệnh diễn ra âm thầm nhưng rất nguy hiểm, các dấu hiệu của bệnh do đó cũng rất khó nhận diện. Đa phần những dấu hiệu bị bệnh thận khi thể hiện rõ rệt thì người bệnh mới phát hiện ra, một số dấu hiệu suy thận, thận yếu, thận hư thường gặp là:

Phù

Chứng phù xảy ra khi mao mạch trong cơ thể đang gặp tình trạng rò rỉ. Khi xuất hiện tình trạng này, ngay lập tức thận nhận nhiệm vụ giữ lại lượng nước và natri trong cơ thể để bù lại số chất dịch bị rò rỉ, bị mất đi ở trên. Do đó, lượng nước trong cơ thể gia tăng khiến các mao mạch ở trên rò rỉ nhiều tới các mô xung quanh khiến chúng bị sưng lên, gây ra hiện tượng phù.

Tình trạng đi tiểu thay đổi

Những thay đổi như tiểu nhiều vào đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn/ít hơn bình thường và thậm chí trong nước tiểu có máu. Cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn.

Nếu bạn có các biểu hiện: Tiểu nhiều hơn 8 lần/ngày và tiểu nhiều hơn 1 lần/đêm thì nên lưu ý, vì đó là cảnh báo chức năng thận suy giảm.

Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung

Thận khỏe mạnh tạo ra một hormon gọi là erythropoietin. Hormon này giúp cho cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang ôxy. Khi thận bị hỏng, chúng tạo ra ít erythropoietin hơn, cơ thể có ít các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy hơn. Các cơ và đầu óc của bạn mệt đi nhanh chóng.

Thiếu máu khiến não không được cung cấp đủ ôxy. Điều này có thể ảnh đến trí nhớ, gây mất tập trung, hoa mắt và chóng mặt.

Ớn lạnh

Thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy lúc nào cũng lạnh. Thậm chí đang ở trong phòng có nhiệt độ ẩm.

Mẩn ngứa

Do tích tụ chất thải trong máu nên da có thể bị kích thích dẫn đến tình trạng ngứa, thậm chí phát ban. Nếu thử dùng các loại kem dưỡng mà không thấy da được phục hồi thì bạn cần nghĩ ngay đến vấn đề xuất phát từ bên trong. Khi đó, bạn hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác nhất.

Hơi thở có mùi amoniac

Thận có chức năng loại bỏ các chất độc hại trong máu qua đường nước tiểu. Khi bệnh nhân bị suy thận, thận sẽ bị hư hỏng nên chúng không còn khả năng lọc các chất thải và hóa chất độc ra khỏi máu, tích tụ lâu ngày trong cơ thể, gây ảnh hưởng gần như tất cả các bộ phận của cơ thể. Hơi thở có mùi có thể xuất hiện khi bệnh suy thận làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Buồn nôn và nôn

Suy thận gây ra các triệu chứng như buồn nôn và ói mửa liên tục. Nguyên nhân đó là những chất thải tích tụ trong cơ thể cần phải được đào thải ra ngoài. Khi thận bị suy, không có khả năng làm việc, tình trạng ói mửa sẽ thường xuyên xảy ra.

Thở nông, khó thở

Đó là do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ trong hai lá phổi kèm theo tình trạng thiếu máu (sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy) sinh ra chứng thở nông.

Đau lưng/ đau vùng ngang thắt lưng

Thận có chức năng sàng lọc và đào thải tất cả các chất độc hại cũng như tạp chất ra ngoài cơ thể bằng đường nước tiểu. Khi chức năng thận suy giảm, sẽ làm mất cân bằng điện giải trong cơ thể, gây ra tình trạng ứ dịch dẫn đến đau vùng hố thận hay đau mỏi ngang thắt lưng.

Nguyên nhân suy thận

Suy thận là một trong những căn bệnh về thận rất phổ biến độ và nguy hiểm cao, thậm chí có nhiều ca bệnh đã dẫn tới tử vong. Căn bệnh này được chia ra làm 2 loại là suy thận cấp và suy thận mạn.

Nguyên nhân gây ra suy thận cấp:

+ Suy thận cấp trước thận

•    Giảm thể tích tuần hoàn: chảy máu, bỏng, mất nước; mất dịch qua đường tiêu hóa
•    Cung lượng tim thấp: bệnh cơ tim, van tim, màng tim, loạn nhịp, nghẽn tắc mạch
•    Tăng tỷ số trở kháng mạch thận so với toàn thể: giãn mạch toàn thân trong; co thắt mạch máu thận
•    Giảm tuần hoàn thận kèm suy giảm đáp ứng tự điều chỉnh của thận
•    Hội chứng máu tăng độ quánh: bệnh đa u tủy sống, đa hồng cầu,…

+ Suy thận cấp tại thận: Do tắc nghẽn mạch thận; những bệnh của cầu thận hoặc mao mạch thận; viêm hoại tử ống thận cấp; viêm thận kẽ; lắng đọng trong ống thận và tắc nghẽn; hội chứng đào thải thận ghép

+ Suy thận cấp sau thận (tắc nghẽn): sỏi, cục máu đông, ung thư chèn ép bên ngoài; bàng quang thần kinh, tăng sinh tuyến tiền liệt, u ác tính; chít hẹp niệu đạo, van niệu đạo bẩm sinh, chít hẹp lỗ niệu đạo.

Nguyên nhân gây ra suy thận mạn:

Hiện nay, bệnh đái tháo đường và cao huyết áp là những nguyên nhân dẫn đầu gây suy thận mạn. Tiếp sau đó là viêm cầu thận, các bệnh về tiết niệu và cuối cùng là thận nang.

benh-than

Các biến chứng của bệnh suy thận

+ Suy thận gây ra các biến chứng về tim mạch

+ Suy thận làm rối loạn cân bằng nước, điện giải.

+ Suy thận làm thay đổi về huyết học

+ Suy thận làm tăng nguy cơ suy giảm não bộ

+ Suy thận dẫn đến thiếu chất

+ Suy thận ảnh hưởng đến khả năng sinh lý

Chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học giúp bảo vệ thận.

+ Uống ít nhất 1,5-2 lít nước mỗi ngày.

+ Có chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị béo phì, thừa cân và bị thừa cholesterol.

+ Hạn chế ăn mặn, giảm thiểu lượng muối trong các bữa ăn.

+ Bổ sung nhiều rau xanh vào các bữa ăn.

+ Dừng hút thuốc lá, hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn.

+ Tập thể dục thể thao mỗi ngày, các bài tập cần phù hợp với thể lực của bản thân, tránh gây quá sức.

+ Sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược giúp tăng cường và bảo vệ chức năng thận.


Thành Tín
TAG: