banner

Bệnh sốt xuất huyết: triệu chứng, cách chăm sóc trẻ đúng cách và cách phòng ngừa hiệu quả.

Thursday, 26/05/2016, 09:32 GMT+7

Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp

Bệnh sốt xuất huyết: triệu chứng, cách chăm sóc trẻ đúng cách và cách phòng ngừa hiệu quả.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt, xuất huyết và thất thoát huyết tương. Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong vì vậy cần thận trọng, tránh nhầm lẫn với các bệnh sốt phát ban.

Trong những năm gần đây bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng và trở thành dịch tại 100 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, khu vực phía Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc bệnh.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ thì cha mẹ và người thân trong gia đình cũng nên tìm hiểu thêm về căn bệnh này, đồng thời để biết cách chăm sóc đúng cách cho trẻ nếu chẳng may trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết và biết thêm cách phòng ngừa hiệu quả.

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với Bác sĩ Nguyễn Chí Tâm, Trưởng Khoa nhi Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp để giúp độc giả quan tâm có thêm những kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, cách chăm sóc cho trẻ nếu chẳng may mắc bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả nhất.

    tam_1

              Bác sĩ NGUYỄN CHÍ TÂM
  Trưởng khoa nhi, BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp

Thưa Bác sĩ, Bác sĩ hãy cho biết dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết; làm thế nào để phân biệt bệnh sốt xuất huyết với các bệnh khác; có lời khuyên gì cho phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết.

Bác sĩ trả lời:

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường bắt đầu bằng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Có trường hợp diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc, hoặc xuất huyết nặng, hoặc suy tạng, có thể tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, nên dễ nhằm với các bệnh sốt siêu vi khác, vì có rất nhiều bệnh có triệu chứng khởi phát và diễn tiến giống với bệnh sốt xuất huyết Dengue. Vì vậy cần theo dõi sat diễn biến lâm sàng mới biết rõ bệnh và phân biệt được.

Cách xử lý tốt nhất là đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất ngay khi bị bệnh để được bác sĩ chẩn đoán và theo dõi. Bác sĩ là người quyết định nên điều trị tại nhà hay ở bệnh viện tùy theo diễn tiến bệnh của từng bệnh nhân.

Lưu ý bạn rằng nếu bệnh nhân được quyết định điều trị tại nhà, bạn cần nghe kỹ và làm đúng lời dặn của bác sĩ về cách chăm sóc và theo dõi tại nhà để phát hiện sớm khi bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng.

Thưa Bác sĩ, nếu chẳng may trẻ nhỏ bị mắc bệnh sốt xuất huyết thì cách chăm sóc trẻ như thế nào là đúng cách?

Bác sĩ trả lời:

Sốt xuất huyết ở trẻ, nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm, khả năng tử vong cao. Nếu mẹ phát hiện bé có những biểu hiện của sốt xuất huyết, mẹ nên:

    – Chọn những thức ăn trẻ thích, chia làm nhiều bữa nhỏ và không kiêng khem. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…

    – Cho bé uống thêm nhiều nước, loại nước thích hợp là nước lọc, nước cam, chanh, … và nên cho bé  uống dung dịch oresol, vì ngoài việc bù nước còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể, giúp thành mạch máu bền vững, giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể.

    – Theo dõi và cho bé nhập viện kịp thời: khi bé sốt trên 2 ngày mà không tìm được nguyên nhân, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị và có những biện pháp hạ sốt đúng cách

sot-xuat-huyet-4

Ngoài ra mẹ nên lưu ý thêm một số điều sau:

    – Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen (có thể gây chảy máu dạ dày).

    – Không cho bé ăn, uống những thực phẩm có màu đen hoặc đỏ (có thể gây nhầm lầm với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ).

Mùa mưa đến thường là lúc muỗi phát triển sinh sôi nảy nở, cũng thường là lúc chúng ta dễ mắc sốt xuất huyết, nhất là trẻ em. Vậy nên, cách phòng ngừa như thế nào là hiệu quả nhất thưa Bác sĩ? 

Bác sĩ trả lời:

    – Không cho trẻ hoạt động dưới các nơi có môi trường tối tăm, ẩm thấp, ao tù nước đọng.

    – Nên buông màn khi ngủ cả ngày lẫn đêm để tránh muỗi.

    – Dùng một số biện pháp diệt muỗi như: sử dụng bình xịt, thắp nhang muỗi, phun thuốc chống muỗi…

    – Đậy kín các nơi có nước như lu, vại… đây là nơi giúp muỗi có điều kiện sinh sản và phát triển.

    – Phát quang bụi rậm.

    – Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.

Xin cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Chí Tâm đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.

Tiến trình của bệnh sốt  xuất huyết

Thông thường sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi khởi sốt.

Ngày thứ 1:  Bệnh nhân sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau. 

Ngày thứ 2: Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, liên tục. Hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể như xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ. 

Ngày thứ 3:  Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì hỏi thêm về kinh nguyệt có ra huyết bất thường không? Bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, đau bụng nhợn ói. Hãy làm xét nghiệm máu, kết quả máu nếu có Hct tăng 39-40%, tiểu cầu giảm dưới 150.000 tế bào/mm3 là chẩn đoán số xuất huyết chính xác đến trên 90%. 

Sang ngày thứ 4, thứ 5 các triệu chứng rõ ràng nhất.

 

 

 

 

 

 


Thành Tín