banner
Chuyên khoa

Phẫu thuật U xơ tiền liệt tuyến

Triệu chứng và điều trị

U xơ tuyến tiền liệt còn gọi là bướu lành tuyến tiền liệt (UXTTL) là một u lành tính, thường xuất hiện ở nam giới khi tuổi bắt đầu cao. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng làm tắc đường tiết niệu.

Người ta biết từ lâu UXTTL là hậu quả của quá trình lão hóa sinh vật. Về đại thể U xơ TTL là một khối hình tròn chia làm 2 hoặc 3 thùy áp sát về phía trước nhưng dính chặt về phía sau. Khối lượng từ 10g đến 100g. Trung bình là 30g. U xơ phát triển từ trung tâm đến ngoại vi, chủ yếu vào lòng bàng quang hay về phía trực tràng, có khi đội cả vùng tam giác bàng quang lên, về phía dưới u xơ có thể bè ra 2 bên dưới u núi. U xơ càng phát triển càng đẩy lùi u xơ tuyến tiền liệt ra ngoài vi cấu tạo thành một vỏ có nhiều lớp bao bọc u xơ.

Vì vi thể U xơ TTL do nhiều nguyên nhân, trong mỗi nguyên nhân có sự tham gia nhiều hay ít của các thành phần tuyến xơ và cơ. Trong mô đệm có các sợi cơ trơn và chất tạo keo.

U xơ TTL là nguyên nhân thường gặp nhất gây hội chứng tắc đường niệu dưới bàng quang. Niệu đạo tuyến tiền liệt gấp 2-3 lần so với bình thường, các thớ cơ phì đại, bị các tương bào và tế bào lympho xâm nhiễm. Vùng tam giác bàng quang dễ bị phì đại và chèn ép làm hẹp đoạn niệu quản chui qua bàng quang. Điều này làm trở ngại cho dòng nước tiểu từ niệu quản xuống, làm tăng áp lực trong lòng niệu quản và đến giai đoạn không bù trừ, tác dụng “van “ của lỗ niệu quản mất đi. Sự trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản và đài bể thận, gây thận ứ nước, viêm thận-bể thận, suy thận và hỏng thận.

Triệu chứng:

- Giai đoạn 1: Bệnh nhân đi tiểu khó, với các biểu hiện như nước tiểu ra chậm, dòng nước tiểu nhỏ và yếu, ngắt quãng, đi tiểu xong còn nhỏ giọt, thời gian đi tiểu kéo dài. Đồng thời, do sự kích thích của cơ bàng quang phì đại, bệnh nhân có chứng đi tiểu vội, buồn đi tiểu là phải đi ngay, đi nhiều lần trong ngày và đêm, đặc biệt về gần sáng.

- Giai đoạn 2: Các triệu chứng sẽ tăng lên như: Đi tiểu xong bệnh nhân vẫn còn cảm giác đái không hết và một lúc sau lại phải đi tiểu. Những hiện tượng này làm bệnh nhân lo lắng, đặc biệt sự ứ đọng nước tiểu thường kèm theo các dấu hiệu nhiễm khuẩn với các biểu hiện đi tiểu buốt, nước tiểu đục.

- Giai đoạn 3: Là giai đoạn các triệu chứng toàn thân xuất hiện rầm rộ như thiếu máu, buồn nôn, ăn kém, buồn ngủ, mệt mỏi, phù, tăng HA,… đó là biểu hiện của suy thận do tắc đường niệu.
Những biến chứng thường gặp là bí đái hoàn toàn, làm bệnh nhân đau quặn dữ dội vùng bụng dưới, bí đái không hoàn toàn là bệnh nhâ đái được nhưng nước tiểu còn ứ đọng trong bàng quang trên 100ml; túi thừa bàng quang; sỏi bàng quang, đái ra máu; nhiễm khuẩn tiết niệu; suy thận do viêm thận bể thận.

Chuẩn đoán: Kiểm tra và thăm khám về lâm sàng, làm các xét nghiệm trên hồng cầu và bạch cầu, vi khuẩn trong nước tiểu, định hướng ure trong máu. Chụp X-quang, soi niệu đạo và bàng quang. Siêu âm là phương pháp chuẩn đoán tốt nhất và nhanh nhất. Thăm trực tràng (sờ tuyến tiền liệt qua trực tràng) có thể phát hiện tuyến tiền liệt khi đã to đáng kể. Phương pháp này phụ thuộc vào kỹ năng bác sĩ.

Thông thường, xét nghiệm máu được dùng để loại trừ ung thư tuyến tiền liệt: tăng cao PSA (kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến) là dấu hiệu chỉ thị ung thư. Chú ý, việc thăm trực tràng có thể làm tăng PSA trong máu ngay cả những bệnh nhân không bị ung thư. Do đó, bác sĩ thường lấy máu trước khi thăm trực tràng. Ở người bình thường, PSA nhỏ hơn 4 mg/ml. Nếu PSA trên 10 mg/ml thì có khả năng bị ung thư hơn là u xơ.

Siêu âm y tế vùng tinh hoàn, tuyến tiền liệt và thận cũng thường được làm để loại trừ ung thư và thận ứ nước. Kỹ thuật siêu âm cho phép xác định kích thước và khối lượng của tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt thông thường có thể tích khoảng 20 mililít.

Bệnh được phát hiện càng sớm thì điều trị càng có cơ hội hiệu quả hơn.